1. Những lỗi sai khi quyết định “cắt đứt” một mối quan hệ
#1. Im lặng và biến mất
Một trong những cách cắt đứt mối quan hệ một cách sai lầm phổ biến nhất là im lặng và biến mất mà không nói bất cứ điều gì với đối phương. Thậm chí, có những người chưa từng thử cải thiện mối quan hệ, cũng không bày tỏ cảm xúc của mình mà chỉ đơn thuần đưa ra kết luận: “Tôi thất vọng về bạn, bạn đã bị loại khỏi cuộc đời tôi.” Sau đó, họ chọn cách chặn mọi phương thức liên lạc. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ hoặc gây tổn thương hay hiểu lầm không đáng có cho đối phương mà còn không có lợi cho sự trưởng thành cá nhân.
#2. Không chia sẻ cảm xúc thật với đối phương
Mối quan hệ giữa con người với con người là một quá trình tương tác, trao đổi lẫn nhau để cùng phát triển. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy tổn thương bởi một hành động của đối phương, bạn nên nói ra: “Tôi cảm thấy không thoải mái vì điều này. Tôi cảm thấy bị tổn thương.” Khi đó, họ có thể giải thích lại hoặc làm rõ: “Thực ra, đây là lý do dẫn đến điều này đã gây ra hiểu lầm giữa chúng ta.” Nhờ vậy, cả hai người đều có cơ hội hiểu rõ về nhau hơn. Và chính trong quá trình đó, cả hai sẽ cùng nhau trưởng thành.
Thật đáng tiếc nếu chúng ta bỏ lỡ những cơ hội quý giá này. Bản thân của hành động “cắt đứt” mối quan hệ tự nó là không tốt cũng không phải xấu. Ngay cả một người tốt cũng có thể không phù hợp với chúng ta, và việc chấm dứt quan hệ khi không còn phù hợp là điều khá dễ hiểu. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc chúng ta không thử bất kỳ nỗ lực nào để cứu vãn trước khi quyết định buông bỏ.
#3. Đưa ra ý kiến chủ quan
Một trong những sai lầm khác nữa khi “chấm dứt” mối quan hệ là chúng ta tự đưa ra kết luận một cách chủ quan. Ví dụ: “Bạn đã nói câu đó vì bạn coi thường tôi. Tôi không thể chịu đựng được những người coi thường mình, vậy nên bạn xứng đáng bị tôi loại bỏ khỏi cuộc đời tôi.” Ở đây, bạn đã tự mình quyết định từ đầu đến cuối mà không hề cố gắng tìm hiểu ý định thực sự của người kia, không kiểm chứng cảm xúc, tình huống hay hoàn cảnh của họ.
2. Vì sao một người lại chọn cách buông bỏ một mối quan hệ?
Đôi khi, nguyên nhân nằm ở những tổn thương hoặc nỗi đau quá lớn mà người ấy phải chịu đựng trong mối quan hệ đó. Họ sợ rằng nếu tiếp tục, mình sẽ bị tổn thương nhiều hơn và không đủ sức chịu đựng. Khi đó, việc né tránh trở thành một chiến lược mà họ cho là an toàn nhất.
Tuy nhiên, những người theo xu hướng né tránh này sẽ không học được cách đối mặt với các vấn đề trong mối quan hệ. Họ rút ra bài học duy nhất là: “Né tránh thì sẽ không gặp nguy hiểm.” Điều này khiến họ bỏ lỡ cơ hội giải quyết hiểu lầm, cải thiện quan hệ, hoặc thậm chí xây dựng mối quan hệ bền vững hơn thông qua những trải nghiệm không dễ dàng.
Dĩ nhiên, việc né tránh giúp họ cảm thấy an toàn tạm thời, nhưng về lâu dài, họ đánh mất cơ hội trưởng thành và hạnh phúc trong các mối quan hệ. Điều này giống như việc bạn ở trong nhà cả ngày để tránh nguy hiểm – bạn sẽ an toàn, nhưng liệu bạn có cảm thấy hạnh phúc? Hy sinh những cơ hội để phát triển và kết nối sâu sắc với người khác vì sự an toàn tạm thời là một cái giá quá đắt.
3. Làm thế nào để “chấm dứt” một cách an toàn hoặc duy trì một mối quan hệ quan trọng?
Hãy thực hiện việc “cắt đứt” với ai đó một cách từng bước và có kế hoạch. Khi cảm thấy giận dữ hoặc tổn thương, bạn có thể thử “cắt đứt tạm thời” trong 1 phút. Nghĩ rằng: “Mình không muốn làm bạn với người này nữa,” rồi tạm dừng lại. Điều này giúp bạn có không gian để suy nghĩ: “Nếu không còn giữ mối quan hệ với người này, mình sẽ cảm thấy thế nào? Có lẽ mình sẽ buồn, và họ thực sự là một phần quan trọng trong cuộc sống của mình.” Qua đó, bạn có thời gian để tự hỏi bản thân: “Thực sự thì mình mong muốn điều gì từ mối quan hệ này?”
Nếu tiếp tục cảm thấy khó chịu, bạn có thể cho đối phương biết: “Tôi cảm thấy cần thời gian để suy nghĩ về mối quan hệ của chúng ta.” Và tạm ngừng liên lạc trong một tuần, hoặc xóa số điện thoại của họ để không tiện tay liên lạc. Trong thời gian này, hãy tự hỏi: “Mình đã bị tổn thương vì điều gì? Mình cần gì từ mối quan hệ này?”
Sau khi đã tự kiểm tra cảm xúc của mình, bạn có thể gặp người kia để trò chuyện. Thay vì đưa ra kết luận, hãy chia sẻ cảm xúc của mình: “Khi bạn nói điều đó, tôi cảm thấy tổn thương.” Hãy cho họ cơ hội giải thích hoặc đưa ra quan điểm. Biết đâu bạn sẽ nhận ra đó chỉ là một sự hiểu lầm: “Tôi không có ý đó, hôm đó tôi đã rất căng thẳng.”
Nếu sau khi trò chuyện, bạn thấy rằng cả hai thực sự không phù hợp, hãy bày tỏ điều đó một cách tôn trọng: “Tôi rất tiếc vì bạn không thể đáp ứng mong đợi của tôi. Tôi nghĩ mình không thể tiếp tục duy trì mối quan hệ này.” Điều này giúp bạn kết thúc một cách nhẹ nhàng, tránh cảm giác tiếc nuối hay ám ảnh về sau.
4. Vì sao nhiều người cảm thấy khó khăn trong việc bày tỏ cảm xúc?
Chúng ta thường được dạy rằng xung đột là không tốt, rằng bộc lộ cảm xúc tiêu cực là xấu, nên nhiều người chọn cách im lặng. Nhưng thực tế, xung đột là một phần bình thường của các mối quan hệ. Không có mối quan hệ nào hoàn hảo cả.
Quan hệ giữa con người là một quá trình không ngừng tìm kiếm sự cân bằng. Việc cố gắng hiểu hay chấp nhận tất cả mọi thứ về người khác vốn không dễ dàng, nhưng cũng đừng từ bỏ ngay cả khi mối quan hệ mới chỉ có xung đột nhỏ. Hãy nhớ rằng bạn không thể yêu tất cả các hương vị trong một cửa hàng kem Baskin Robbins, nhưng điều đó không có nghĩa là các hương vị bạn không thích là xấu.
5. Làm sao để biết đâu là một mối quan hệ lành mạnh?
Lắng nghe cảm xúc của bạn khi ở bên người đó. Một mối quan hệ lành mạnh khiến bạn cảm thấy thoải mái, an toàn về mặt cảm xúc, và được tôn trọng. Dù đôi khi có xung đột, bạn vẫn cảm nhận được sự tin tưởng và không sợ bị đánh giá.
Ngược lại, nếu bạn luôn cảm thấy căng thẳng và bị đè nén, đôi khi là sự thiếu tôn trọng, tổn thương; có lẽ đó không phải là mối quan hệ lành mạnh dành cho bạn.
Cuối cùng thì mong rằng bạn sẽ suy nghĩ thật kỹ và hành động thật cẩn thận trước khi định từ bỏ một mối quan hệ nào đó. Nếu bạn đang muốn chấm dứt một mối quan hệ, hãy thử trò chuyện với họ thêm một lần nữa. Biết đâu, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời mà mình chưa từng nghĩ tới. Chúc bạn sẽ trưởng thành hơn trong các mối quan hệ của mình!
Nguồn: 놀면서 배우는 심리학
Đăng ký dịch vụ chữa lành tâm lý 1:1, tham vấn tâm lý 1:1, đánh giá chất lượng mối quan hệ (test), đánh giá tâm lý chuyên sâu (test) tại: https://psysoo.org/dich-vu/
Đăng ký khóa học về chữa lành, hẹn hò, tình yêu, hôn nhân, gia đình & tâm lý học chuyên ngành tại: https://psysoo.org/courses/