1. Viết ngắn cũng được, viết dài cũng được.
Mình nghĩ viết ngắn hay viết dài cũng chỉ mang tính chất tương đối, phụ thuộc vào mục đích của người viết nữa. Viết văn sẽ khác với viết học thuật, viết hồi ký cũng khác với viết nhật ký.
Nên trước khi xác định xem bản thân nên viết ngắn hay viết dài thì có lẽ cần xem xét lại mục đích của mình viết để làm gì?
• Mình viết cho bản thân đọc hay cho người khác đọc?
• Nếu viết học thuật thì sẽ có tiêu chuẩn cho từng bài báo là số lượng khoảng bao nhiêu trang?
• Nếu viết thương mại thì sẽ giới hạn viết trong năm trăm từ hay dưới một nghìn từ?
• Viết hồi ký thì sẽ giới hạn trong bao nhiêu trải nghiệm?
• Viết nhật ký thì sẽ giới hạn trong bao nhiêu phút mỗi ngày?
2. Làm sao để một bài viết thực sự chất lượng?
Gần đây mình muốn phát triển chuyên môn của mình nên mình thường đọc sách chuyên ngành, các trang cung cấp thông tin chuyên ngành. Mỗi lần đọc mình sẽ ghi chú lại những thông tin chính, sau đó phát triển thành một vài viết riêng của mình.
Có những bài viết mình chỉ viết theo kiểu cung cấp thông tin, thành ra hơi khô khan và kén người đọc, nếu độc giả không phải những người đam mê học thuật có lẽ sẽ cảm thấy hơi thiếu cảm xúc. Tuy nhiên thì cách viết này lại đảm bảo được việc cung cấp thông tin khoa học chính thống, có thực chứng và độ tin cậy cao, phù hợp cho phần lớn số đông.
Trước kia mình thường viết chia sẻ quan điểm chủ quan của bản thân, dù có những bài viết có cả hàng trăm hàng nghìn lượt chia sẻ và được một nhóm đối tượng đón nhận tích cực, điều đó cũng mang lại cho mình một lượng lớn khách hàng.
Nhưng sau khi tốt nghiệp thạc sỹ, mình nhận ra rằng nếu muốn phát triển chuyên môn của mình vững vàng hơn, đi được xa hơn thì mình không thể viết theo lối chỉ chia sẻ quan điểm cá nhân như trước kia nữa. Bởi mình nhận ra có những quan điểm riêng của mình không phù hợp cho phần lớn số đông hoặc đúng ở một thời điểm nhưng sẽ sai ở một thời điểm khác.
Mình bắt đầu cố gắng tích lũy kiến thức chuyên ngành nhiều hơn, trước tiên là ứng dụng những kiến thức đó vào bản thân và sau đó là công việc. Khi có được những kết quả tích cực từ việc ứng dụng những kiến thức ấy, mình sẽ viết bài chia sẻ. Như vậy những bài viết vẫn sẽ vẫn đảm bảo nội dung mang tính khoa học để đảm bảo thông tin có độ chính xác cao, có thực chứng và vẫn có trải nghiệm của bản thân để bài viết không gây khô khan, nhàm chán cho người đọc.
3. Hãy chỉ viết về những gì mình thực sự hiểu.
Cuộc sống hiện đại đi kèm với việc thông tin được cung cấp tràn lan, dễ dàng, tuy nhiên thì mình nghĩ chúng ta nên có “cái bộ lọc” thông tin của riêng mình để kiểm tra độ chân thực của thông tin mình đọc.
Mình thấy có rất nhiều người nổi tiếng nói về tình yêu hay chia sẻ về cách giáo dục trẻ trong gia đình. Tuy nhiên thì lĩnh vực họ đang hoạt động lại là nghệ thuật, có nghĩa là họ không phải là chuyên gia trong lĩnh vực “họ đang nói, đang viết”. Nhưng vẫn nhận được khá nhiều sự đón nhận tích cực từ độc giả, thính giả dù rằng thông tin ấy dường như chỉ mang quan điểm cá nhân chứ hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Như vậy có nghĩa là những người nổi tiếng kia đang thao túng tâm lý đại chúng mà có thể chính bản thân họ không nhận ra.
Mình nghĩ với tâm thế một người viết, mình sẽ luôn tự hỏi mình viết nội dung này cho ai, nội dung có chân thực không, được kiểm chứng về mặt khoa học chưa? Mình có phải là chuyên gia thực sự trong lĩnh vực mà mình đang viết, đang nói không? Nếu không thì hãy thừa nhận rằng bản thân chưa có nhiều hiểu biết cho lĩnh vực này và đây chỉ là quan điểm cá nhân để người đọc hiểu rõ những nội dung mà mình chia sẻ.
Còn nếu là với tư cách một người đọc, từ rất lâu rồi mình chỉ theo dõi những anh, chị, bạn trong lĩnh vực của mình để phát triển chuyên môn. Ngoài ra những kiến thức khác ngoài chuyên môn mình sẽ chỉ theo dõi và đọc những nội dung, sách từ những người đã thành công trong lĩnh vực họ đang làm, những người có bằng cấp chuyên môn trong lĩnh vực họ đang thành công.
Có nghĩa là mình yêu quý và hâm mộ Noo Phước Thịnh, mình có thể nghe nhạc của cậu ấy mỗi ngày, cậu ấy là người khiến mình cảm thấy những nỗi buồn, nỗi đau cũng có vẻ đẹp của riêng nó thông qua nghệ thuật. Tuy nhiên thì nếu cậu ấy có những bài viết, video chia sẻ hay sách về giáo dục con, kỹ năng hẹn hò hay cẩm nang hướng dẫn sử dụng tình yêu, các phương pháp chữa lành tâm lý, chắc chắn mình sẽ từ chối không đọc, không nghe. Vì cậu ấy không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này.
Trước khi để có thể viết một cách chất lượng, mình nghĩ nên đọc một cách chất lượng trước đã!
Đăng ký dịch vụ chữa lành tâm lý 1:1, tham vấn tâm lý 1:1, đánh giá chất lượng mối quan hệ (test), đánh giá tâm lý chuyên sâu (test) tại: https://psysoo.org/dich-vu/
Đăng ký khóa học về chữa lành, hẹn hò, tình yêu, hôn nhân, gia đình & tâm lý học chuyên ngành tại: https://psysoo.org/courses/