1. Cô độc đã mang lại cho mình gì?
Mình tự nhận thấy mình là một người siêu nhạy cảm bẩm sinh, mình khá nhạy cảm với những kích thích như mùi vị, âm thanh và ánh sáng; đặc biệt là khá nhạy cảm với cảm xúc của người khác nữa.
Sự nhạy cảm cũng mang lại cho mình khá nhiều lợi ích, mình có thể dễ dàng đọc được cảm xúc của người khác thông qua biểu cảm trên gương mặt và giọng nói của họ.
Điều này giúp cho mình không gặp khó khăn gì trong việc giao tiếp với mọi người xung quanh vì khi mình cảm nhận được cảm xúc của đối phương mình sẽ điều chỉnh cách phản ứng, cách tương tác với họ ngay tức thì.
Trong công việc tham vấn tâm lý, sự nhạy cảm cũng giúp cho mình có thể thấu hiểu những xung đột nội tâm về mặt cảm xúc của khách hàng hơn; giúp cho mình có được những phản hồi phù hợp. Mình nghĩ đây là một ưu điểm khá lớn giúp mình có thể làm tốt công việc của mình.
Tuy nhiên sự siêu nhạy cảm cũng mang lại cho mình vô cùng nhiều rắc rối. Mình thường dễ bị tự động sao chép cảm xúc từ người khác dù cảm xúc đó là tích cực hay tiêu cực.
Nếu ở bên cạnh một người tích cực thì không có chuyện gì để bàn rồi, nhưng phải ở bên cạnh một người tiêu cực trong một thời gian dài hoặc ở trong một môi trường có quá nhiều kích thích phức tạp, hỗn độn, mình cảm thấy bị kiệt sức và rất mệt mỏi giống như bị hút cạn năng lượng vậy.
Mỗi lúc như vậy mình cần thời gian một mình để tự cân bằng, giải phóng đi mọi loại cảm xúc tiêu cực mình bị hấp thụ bởi môi trường bên ngoài và nạp thêm năng lượng mới cho bản thân.
Và mình chọn cô độc có chủ đích, có thể là mình đi bộ một mình giữa thiên nhiên, nghe nhạc hoặc viết lách và đọc sách trong phòng một mình, nơi chỉ có sự yên tĩnh hoặc thanh âm của vài bản piano mình yêu thích.
Mình rất thích những khoảng thời gian một mình như vậy, với mình đó là khoảng thời gian mình được trở về với chính mình, được lắng nghe từng thanh âm bên trong trái tim và cảm nhận từng cảm xúc mà mình đang có. Đó là một cảm giác rất tuyệt!
Mình có thể viết một cách liền mạch mà không phải dừng lại để suy nghĩ, mình có thể học đến đâu ghi nhớ đến đó mà không phải cố gắng nhồi nhét kiến thức vào đầu, mình cảm nhận được sự an yên chân thật đến từ bên trong mình.
Theo nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi, một mình có thể giúp mỗi cá nhân đạt đến trạng thái dòng chảy (flow), trạng thái mà mình có thể tập trung cao độ tới mức quên mất cả thời gian, khi đó mình cảm thấy bản thân khá năng suất và sáng tạo. Nhất là với hoạt động viết lách yêu cầu sự sáng tạo cao, mình thực sự chỉ có thể viết khi bản thân ở một mình.
Nhà phân tâm học Donald Winnicott đã từng chia sẻ, khả năng ở một mình là một phần quan trọng của sự phát triển cá nhân, ông cho rằng khả năng tận hưởng cô độc là một dấu hiệu của sự trưởng thành tâm lý, giúp cá nhân phát triển bản sắc độc lập mà không cần dựa dẫm vào người khác.
Cô độc đã giúp cho mình có thể viết lách sáng tạo hơn, học tập và làm việc hiệu suất hơn, mình cũng có thể phát triển khả năng tự nhận thức, cảm nhận hạnh phúc tự thân và phát triển bản thân một cách độc lập, mình có thể hạnh phúc ngay cả khi ở một mình.
2. Nhưng cô độc không phải lúc nào cũng tốt.
Mình từng tự tin là mình có khả năng ở một mình mà không cảm thấy cô đơn trong một thời gian dài. Nhưng hóa mọi chuyện không như mình tưởng.
Hồi còn ở Việt Nam khi mà mình vẫn đi làm toàn thời gian, mình duy trì một tháng gặp cha mẹ, gia đình và bạn bè thân ít nhất một cho đến hai lần. Vì thế sau những giờ làm việc mệt mỏi, một mình là cách để mình tự cân bằng lại năng lượng cho bản thân. Mình từng nghĩ, một mình thật là thích, mỗi lần tan làm về đến nhà mở âm nhạc thật to, tự nấu ăn rồi chạy ra ban công ngắm cảnh, được tự do trong không gian của riêng mình thật là tuyệt.
Nhưng mấy năm trước mình chuyển qua Hàn Quốc sinh sống, cuộc sống du học sinh mình từng tưởng tượng là đi học chăm chỉ cả tuần, cuối tuần đi làm thêm, đi du lịch với bạn bè, rồi giao lưu quốc tế với các bạn nước khác, nghe có vẻ như cuộc sống khá là chill đấy.
Hóa ra sự thật thì, cả tuần mình bận bù đầu với bài vở tới mức không có thời gian mà làm gì, rồi mình còn phải làm thêm để có thêm thu nhập ổn định cho cuộc sống du học. Chưa kể vì hồi đó mình cũng làm việc tại nhà là chủ yếu nên khoảng thời gian mình ở một mình khá là nhiều.
Mình đi học một mình, ăn cơm một mình, làm việc một mình, mọi thứ đều một mình. Trên lớp thì toàn là bạn người Hàn, mấy bạn trẻ thì khó gần không dễ làm bạn, mấy người có tuổi thì khá tốt, thân thiện nhưng lại quá bận để có thể dành thời gian cho mình. Mình chỉ có mỗi một người bạn Trung Quốc cùng khoa và một vài người bạn Việt Nam khoa khác. Mình phải một mình chứ không phải là được một mình nữa.
Một mình bây giờ sao không còn cảm thấy hạnh phúc như trước nữa. Có những thời điểm cả tuần mình không mở miệng nói chuyện với ai cả, vì đâu có ai mà trò chuyện, gia đình thì ở Việt Nam, bạn bè cũng chỉ có vài người, công việc thì chỉ làm online. Và mình cảm thấy dường như mình không còn được ổn định về sức khỏe tinh thần nữa.
Áp lực việc học tập, thiếu sự gắn kết với gia đình, sự cô lập xã hội khiến mình cảm thấy mình có những dấu hiệu của trầm cảm tự lúc nào mình cũng không hay. Hóa ra một mình trong một thời gian dài đáng sợ hơn mình tưởng.
Mình cảm thấy thiếu thốn các mối quan hệ xã hội và cảm thấy như mình không thuộc về nơi này nữa.
Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Cacioppo và Patrick năm 2008, việc thiếu kết nối xã hội có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch và làm giảm tuổi thọ, cũng như cảm giác cô đơn kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, trầm cảm và rối loạn lo âu.
Cũng vậy, theo nghiên cứu của Cacioppo & Cacioppo năm 2018, cô đơn trong một thời gian dài là nguyên nhân gây ra các chứng trầm cảm và rối loạn lo âu, họ cho rằng việc duy trì các mối quan hệ xã hội là cực kỳ quan trọng để bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất.
Việc thiếu các mối quan hệ xã hội trong một thời gian dài đã khiến sức khỏe tinh thần của mình không còn được ổn định như trước nữa. Mình cảm thấy trân quý các mối quan hệ so với trước đây hơn.
Mình chợt nhận ra rằng, hóa ra một mình không phải lúc nào cũng tốt.Vậy nên mình nghĩ mình sẽ lựa chọn cô độc một cách có chủ đích hơn. Hiện tại mình duy trì thói quen một mình cho các hoạt động cá nhân như viết, học tập, làm việc, tự chăm sóc bản thân để hồi phục năng lượng. Song song với đó mình vẫn dành thời gian cho con, cho chồng, tiếp xúc với bố mẹ chồng và duy trì các mối quan hệ xã hội để nâng cao sức khỏe tinh thần hơn.
🎈Nếu bạn đang cảm thấy mất kết nối với chính mình hoặc các mối quan hệ với mọi người xung quanh, đừng quên đăng ký tham vấn tâm lý cùng mình tại: https: https://psysoo.org/dich-vu/
🎈Đăng ký khóa học về chữa lành, hẹn hò, tình yêu, hôn nhân, gia đình & tâm lý học chuyên ngành tại: https://psysoo.org/courses/