You are currently viewing Tại sao người Hàn ăn cháo đậu đỏ vào ngày Đông Chí?

Tại sao người Hàn ăn cháo đậu đỏ vào ngày Đông Chí?

Thời gian trôi đi nhanh quá, ngoảnh đi ngoảnh lại mình đã sống ở Hàn Quốc gần 4 năm rồi, nhưng hôm nay mình mới có trải nghiệm lần đầu tiên ăn cháo đậu đỏ vào ngày Đông Chí.

Hôm qua thì chồng mình có nói là: “Ngày mai cả nhà mình tới chùa ăn cháo đậu đỏ đi vợ”. Chồng mình có giải thích rằng ngày Đông Chí là ngày mà ngày ngắn nhất và đêm dài nhất trong năm, người Hàn Quốc có quan niệm rằng ăn cháo đậu đỏ vào ngày Đông Chí để xua đuổi tà ma, đón nhận may mắn và bình an cho gia đình.

Ngày Đông Chí, thường rơi vào khoảng ngày 21 hoặc 22 tháng 12 dương lịch, không chỉ đơn thuần là một sự kiện thiên văn mà còn là một phong tục không thể thiếu trong văn hóa của người Hàn Quốc. Theo truyền thống thì ngày này tượng trưng cho sự chuyển giao giữa bóng tối và ánh sáng.

Người Hàn Quốc tin rằng màu đỏ của đậu có khả năng bảo vệ con người khỏi những năng lượng của bóng tối. Truyền thống này xuất phát từ niềm tin cổ xưa rằng màu đỏ là biểu tượng của sự sống, sự ấm áp và sức mạnh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Cùng mình tìm hiểu về ý nghĩa của cháo đậu đỏ dưới góc nhìn Tâm lý học nhé!

1. Màu đỏ: Biểu tượng của sức mạnh và sự bảo vệ

Màu đỏ từ đậu trong món cháo có ý nghĩa đặc biệt không chỉ về mặt văn hóa mà còn từ góc nhìn tâm lý học. Theo nghiên cứu của Elliot và Maier (2014), màu đỏ có tác dụng kích thích cảm xúc, tạo cho chúng ta cảm giác an toàn và mang lại năng lượng tích cực. Đặc biệt trong những ngày đông giá lạnh, màu đỏ mang lại cảm giác ấm áp và được bảo vệ, những yếu tố quan trọng để giúp con người vượt qua cảm giác cô đơn hoặc mệt mỏi.

2. Thực phẩm như một liệu pháp tâm lý

Theo Troisi và Gabriel (2011), thực phẩm gắn liền với ký ức và văn hóa có thể tạo ra cảm giác thoải mái, giúp giảm căng thẳng và tăng cường sự gắn kết xã hội. Cháo đậu đỏ, với kết cấu mềm mịn và hương vị nhẹ nhàng, chính là một ví dụ hoàn hảo cho điều này. Sáng nay thì chồng mình đèo mình, con mình và mẹ chồng tới chùa để ăn cháo đậu đỏ. Lúc chúng mình tới chùa thì phòng ăn không có ai cả ngoài những cô làm Phật sự, thế mà đang ăn thì bỗng ở đâu kéo đến đông ơi là đông kín luôn cả căn phòng ăn của chùa, mình còn phải ăn nhanh để lấy chỗ cho người đến sau.

Đợt này trời lạnh nên mình ít cho con đi ra ngoài chơi, tự nhiên nhìn thấy đông kín người đến ăn như vậy bạn ta có vẻ thích thú lắm, cứ nhìn hết người này đến người kia, ngó hết góc này tới góc khác. Mình thấy mọi người rất thích ăn cháo đậu đỏ ở chùa, có vẻ như họ nhận được sự an ủi về mặt tinh thần rất lớn như thể món ăn này đang xoa dịu những mệt mỏi, vất vả của cả năm cũng như sẽ mang lại một năm mới với đầy những điều mới mẻ, an lành và may mắn.

3. Nghi thức và sự ổn định tâm lý

Từ góc độ tâm lý học, những nghi thức như ăn cháo đậu đỏ vào ngày Đông Chí giúp con người cảm thấy ổn định và an toàn hơn. Hobson et al. (2018) đã chỉ ra rằng việc duy trì các nghi thức truyền thống giúp con người giảm căng thẳng và mang lại cảm giác có thể kiểm soát trong cuộc sống. Điều này đặc biệt quan trọng trong mùa đông, khoảng thời gian dễ khiến con người cảm thấy buồn bã hoặc lạc lõng.Từ góc nhìn của mình thì ngày Đông Chí không chỉ là dịp để thưởng thức một món ăn ngon mà còn là một bài học quý giá về cách con người đối mặt với bóng tối, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Trong tâm lý học, điều cũng này tương đồng với khái niệm “shadow work” của Carl Jung, khi con người học cách chấp nhận và làm hòa với phần tối trong tâm trí để phát triển và trưởng thành hơn.

Ngoài ra, mình cũng nhận ra rằng phong tục này là một cách để gia đình kết nối với nhau. Trong nhịp sống hiện đại bận rộn như Hàn Quốc, việc cả gia đình cùng ngồi lại, chia sẻ bát cháo và những câu chuyện đã trở thành một liệu pháp tinh thần hiệu quả. Nó nhắc nhở chúng ta rằng, đôi khi sự chữa lành không đến từ những điều lớn lao mà từ những khoảnh khắc giản dị, như một bát cháo đậu đỏ trong ngày đông giá lạnh

.Ngày Đông Chí ở Hàn Quốc là một minh chứng rõ ràng cho cách mà văn hóa và tâm lý có thể hòa quyện để mang lại sự an ủi và chữa lành cho con người. Với mình, bát cháo đậu đỏ không chỉ đơn thuần là một món ăn mà còn là biểu tượng của sự kết nối, với gia đình, với truyền thống, và với chính bản thân mình.

Nếu bạn có cơ hội trải nghiệm ngày Đông Chí tại Hàn Quốc, đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món cháo đậu đỏ. Hãy để vị ngọt bùi của món ăn này không chỉ làm ấm cơ thể bạn mà còn xoa dịu tâm hồn trong những ngày đông lạnh lẽo nhé!

Nếu bạn đang cảm thấy cô đơn, lạc lõng giữa những ngày Đông lạnh lẽo hay cuộc sống xa nhag khiến bạn cảm thấy vô cùng bất an thì đừng quên đặt lịch tham vấn tâm lý cùng Psysoo nhé^^

Nguồn tham khảo

Troisi, J. D., & Gabriel, S. (2011). Chicken soup really is good for the soul: “Comfort food” fulfills the need to belong. Psychological Science.

Elliot, A. J., & Maier, M. A. (2014). Color psychology: Effects of perceiving color on psychological functioning in humans. Annual Review of Psychology.

Hobson, N. M., & Gino, F. (2018). Rituals and the impact on psychological well-being. Journal of Experimental Psychology.

Để lại một bình luận