Hôn nhân thường được xem như một đích đến hạnh phúc trong cuộc đời nhưng không phải ai cũng tìm được hạnh phúc sau khi kết hôn. Theo chuyên gia tâm lý Lee Ju-ho, những người trở nên bất hạnh sau hôn nhân thường mang theo những vấn đề chưa được giải quyết trong mối quan hệ với cha mẹ hoặc cách họ xử lý cảm xúc và nhu cầu cá nhân.
Hãy cùng khám phá những yếu tố này và cách nhận diện chúng để xây dựng một mối quan hệ lành mạnh hơn nhé!
1. Mối quan hệ không lành mạnh với cha mẹ
Một trong những yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân là mối quan hệ với cha mẹ. Chuyên gia tâm lý Lee Ju-ho cho rằng có hai dạng mối quan hệ không lành mạnh phổ biến:
#1. Phụ thuộc quá mức vào cha mẹ
Đây là tình trạng thiếu độc lập về mặt tâm lý. Ví dụ, khi cha mẹ nói: “Con nên làm thế này,” thay vì cân nhắc và đưa ra quyết định thì người đó chỉ cảm thấy áp lực và làm theo.
#3. Xung đột chưa được giải quyết
Một số người có vẻ ngoài độc lập, nhưng thực chất bên trong họ lại chưa vượt qua được những xung đột với cha mẹ. Những người này có thể phản ứng bằng sự tức giận hoặc phản kháng mạnh mẽ khi cha mẹ can thiệp vào cuộc sống của họ, nhưng thực chất họ vẫn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cha mẹ.
Cả hai trường hợp đều cho thấy người đó chưa thực sự độc lập về cảm xúc và tâm lý. Theo Bowlby (1988), những vấn đề về gắn bó (attachment issues) từ thời thơ ấu có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành gây khó khăn trong việc thiết lập các mối quan hệ lành mạnh.
2. Cảm xúc là quyền lực tuyệt đối
Một số người thường dùng cảm xúc của mình như một quyền lực tuyệt đối trong mối quan hệ. Ví dụ khi được hỏi: “Chúng ta làm thế này được không?”, họ trả lời: “Không, tôi không thích.” Nếu hỏi thêm: “Tại sao không thích, chúng ta có thể cùng điều chỉnh mà?”, họ đáp lại: “Tôi đã nói là không thích rồi, sao cứ phải làm vậy?”
Đây là kiểu người đặt cảm xúc của mình lên trên mọi thứ, biến cảm xúc của bản thân thành quyền lực chi phối người khác.Thái độ này không chỉ làm tăng mâu thuẫn mà còn khiến đối phương cảm thấy bị áp đặt và thiếu tôn trọng. Theo Goleman (1995) trong cuốn Emotional Intelligence nhấn mạnh rằng khả năng quản lý cảm xúc và cân nhắc cảm xúc của người khác là yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng các mối quan hệ bền vững.
3. Tâm lý “tôi là nạn nhân”
Một số người bước vào hôn nhân với tâm lý rằng họ đã chịu nhiều thiệt thòi trong quá khứ và đòi hỏi bạn đời hoặc xã hội phải bù đắp những thiếu thốn cho họ. Họ thường nói: “Tôi đã chịu thiệt thòi, còn bạn thì may mắn vì có gia đình tốt, được học ở trường danh tiếng.”
Tâm lý này thường dẫn đến xu hướng đòi hỏi quá mức những nhu cầu cá nhân từ đối phương và khiến mối quan hệ trở nên mất cân bằng. Theo lý thuyết về trách nhiệm cá nhân (Seligman, 1990), những người coi mình là nạn nhân thường không cảm thấy trách nhiệm trong việc cải thiện hoàn cảnh của chính mình, điều này dễ dẫn đến thất bại trong các mối quan hệ.
4. Vậy đặc điểm của những người phù hợp để kết hôn là gì?
Những người có tiềm năng phát triển (growth mindset) thường dễ thích nghi và xây dựng mối quan hệ lâu dài. Dưới đây là một số đặc điểm để nhận biết:
#1. Tôn trọng ranh giới
Khi bạn đặt ra giới hạn trong mối quan hệ, họ cố gắng hiểu và tôn trọng điều đó, ngay cả khi chưa thể thực hiện hoàn hảo.
#2. Khả năng tự nhìn nhận
Người có khả năng nhìn lại bản thân sau những mâu thuẫn, học hỏi từ sai lầm và điều chỉnh hành vi. Ví dụ, họ có thể nói: “Lúc đó tôi đã quá trẻ con, lần sau tôi sẽ làm tốt hơn.”
#3. Không bị chi phối bởi cảm giác tự ti
Bạn có thể kiểm tra điều này bằng cách hỏi họ về hình mẫu lý tưởng. Người có tư duy phát triển sẽ chia sẻ về những khía cạnh tích cực mà họ muốn học hỏi từ người khác. Ngược lại, người mang nhiều cảm giác tự ti thường chỉ trích và hạ thấp người khác.
5. Nếu người mà chúng ta đang hẹn hò có những đặc điểm tiêu cực, chúng ta nên làm gì để kiểm tra hoặc cải thiện?
Giao tiếp sâu là chìa khóa. Nhiều người mắc sai lầm khi nghĩ rằng: “Tôi đã biết rõ người này rồi, không cần hỏi thêm nữa.” Tuy nhiên, bạn nên trò chuyện một cách chân thành, không mang tính công kích. Ví dụ thay vì nói: “Tại sao anh/em cứ làm điều tôi không thích?”, hãy chia sẻ cảm xúc của bạn: “Khi anh/em làm điều này, tôi cảm thấy lo lắng.”
Nếu đối phương phản ứng tiêu cực hoặc né tránh, đó có thể là dấu hiệu cho thấy họ thuộc nhóm người khó duy trì một mối quan hệ lành mạnh và bạn có thể cân nhắc xem mình nên tiếp tục duy trì mối quan hệ với họ hay không.
Hôn nhân không chỉ là sự kết nối giữa hai cá nhân mà còn là sự phản ánh mối quan hệ của mỗi người với chính bản thân họ và gia đình. Hãy nhớ rằng, một cuộc hôn nhân hạnh phúc bắt đầu từ việc xây dựng mối quan hệ lành mạnh với chính mình.
Tài Liệu Tham Khảo
Bowlby, J. (1988). A Secure Base: Parent-Child Attachment and Healthy Human Development. Basic Books.
Goleman, D. (1995). Emotional Intelligence: Why It Can Matter More Than IQ. Bantam Books.
Seligman, M. E. P. (1990). Learned Optimism: How to Change Your Mind and Your Life. Vintage Books.
이주호. (2025). 놀면서 배우는 심리학